A04 - Tư duy tập trung vào kết quả

Định nghĩa

Tư duy tập trung vào kết quả là tư duy tạo ra kết quả kinh doanh dựa trên yêu cầu nhất quán; thiết lập và đạt được mục tiêu; luôn tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng, dịch vụ, năng suất và đáp ứng thời hạn; duy trì tập trung vào mục tiêu của tổ chức.

Biểu hiện hành vi ở các mức độ

Các mức độ biểu hiện hành vi được xét theo khả năng hoàn thành tốt 4 tiêu chí: thiết lập mục tiêu; vượt qua trở ngại; chất lượng, dịch vụ và năng suất; quá trình giám sát và đánh giá kết quả.

Mức độ 5: Xuất sắc

Ở mức độ này, cá nhân chủ động vận dụng được kỹ năng này trong cả những tình huống đặc biệt khó khăn. Cá nhân có thể tự tin truyền đạt kỹ năng này cho người khác.

  • Có khả năng thiết lập các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn gắn bó chặt chẽ với việc đánh giá kết quả lần trước

  • Dự đoán và phân tích chính xác các trở ngại và rủi ro có thể xảy ra; có chiến lược thử nghiệm và chốt được phương án biến mọi trở ngại thành cơ hội

  • Liên tục tìm kiếm, thử nghiệm và tận dụng cơ hội mới để cải thiện chất lượng, dịch vụ và gia tăng năng suất

  • Có khả năng đánh giá kết quả toàn diện, chủ động nghiên cứu hiệu quả các giải pháp và tiếp tục thử các giải pháp mới cho đến khi đạt được kết quả mong đợi

Mức độ 4: Tốt

Ở mức độ này, cá nhân có thể vận dụng được năng lực trong những tình huống khá khó khăn, mà hầu như không cần hướng dẫn.

  • Có khả năng thiết lập mục tiêu dài hạn và ngắn hạn dựa trên mục tiêu chung của tổ chức

  • Có khả năng phân tích lợi hại của trở ngại, chuẩn bị sẵn tinh thần và phương án chủ động phòng tránh, loại bỏ trở ngại

  • Tạo động lực cho các thành viên, chủ động giám sát chặt chẽ và tìm cách nâng cao chất lượng, dịch vụ và năng suất làm việc

  • Có khả năng đánh giá kết quả toàn diện, lập ra phương án xử lý thiếu sót, lấy đó làm cơ sở nền tảng cho lần sau

Mức độ 3: Khá

Ở mức độ này, cá nhân có thể vận dụng được năng lực trong những tình huống khó khăn, dù đôi khi vẫn cần được chỉ dẫn từ người khác.

  • Thiết lập các mục tiêu rõ ràng và cụ thể

  • Có khả năng nhìn nhận về mức độ của trở ngại, chuẩn bị sẵn phương án chủ động giảm thiểu tác động của trở ngại

  • Có cơ chế giám sát và thưởng phạt nhằm đảm bảo chất lượng, dịch vụ và năng suất

  • Có khả năng đánh giá kết quả đa chiều, kịp thời xử lý các thiếu sót đơn giản, rút ra được bài học kinh nghiệm

Mức độ 2: Cơ bản

Ở mức độ này, cá nhân có thể vận dụng được năng lực trong những tình huống với độ khó trung bình và vẫn thường cần được hỗ trợ, hướng dẫn từ người khác.

  • Thiết lập được mục tiêu nhưng còn sai số đối với khả năng làm được

  • Có tinh thần ứng phó và chịu trách nhiệm giải quyết các trở ngại

  • Theo dõi và kịp thời xử lý các vấn đề gây ảnh hưởng đến chất lượng, dịch vụ và năng suất

  • Có khả năng đánh giá kết quả dựa trên nhiều tiêu chí

Mức độ 1: Kém

Ở mức độ này, cá nhân chỉ vận dụng được năng lực trong những tình huống cơ bản nhất và sẽ cần rất nhiều chỉ dẫn từ người khác.

  • Không có mục tiêu cụ thể, chỉ cam kết đầu ra

  • Duy trì được công việc dưới áp lực của trở ngại cho đến khi có giải pháp khả thi

  • Có ý thức duy trì nhưng không đảm nhận được đồng thời chất lượng, dịch vụ và năng suất

  • Báo cáo kết quả theo mẫu có sẵn

Các câu hỏi phỏng vấn

  • Việc đặt ra mục tiêu dài hạn và ngắn hạn dựa trên những yếu tố nào?

  • Bạn có sẵn sàng áp dụng một phương pháp hoàn toàn mới để gia tăng năng suất làm việc của tổ chức không?

  • Lợi ích lớn nhất của việc đánh giá kết quả sau khi hoàn thành là gì?

  • Kể lại một tình huống biến trở ngại thành cơ hội mà bạn biết / đã từng trải qua.

  • Theo bạn, nên xử lý từng sai phạm nhỏ lẻ trong quá trình thực hiện công việc hay đợi đến qua deadline mới tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm?

  • Bạn nghĩ rằng khách hàng thời nay chú trọng đến yếu tố nào nhiều hơn: chất lượng hay giá cả?

  • Mục tiêu trong năm đầu tiên của một startup nên là gì?

  • Giả sử bạn chịu trách nhiệm cho một mặt hàng thực phẩm của công ty. Sau khi đã tung một số lượng lớn ra ngoài thị trường, bạn phát hiện ra lô thực phẩm đó chứa một thành phần hoá học vượt quá số % quy định, có nguy cơ gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Hiện tại vẫn chưa có khách hàng nào khiếu nại về vấn đề này, và bạn cũng không chắc họ có phát hiện ra điều đó hay không. Bạn sẽ xử lý như thế nào trong trường hợp này?

  • Chất lượng nhân sự đóng vai trò như thế nào trong việc tối ưu kết quả của tổ chức?

  • Thành công của một tổ chức phụ thuộc vào kết quả làm việc nhóm hay của từng cá nhân?

  • CEO có nên xuống tận xưởng sản xuất để giám sát quy trình hay chỉ cần ngồi chỉ đạo cho các cấp quản lý nhỏ hơn?

  • Phân tích SWOT việc đặt ra KPI hằng tháng cho mỗi nhân viên.

  • Cơ chế thưởng phạt “đánh vào tài chính” có thể tối ưu hoá hiệu quả làm việc hay không?

Last updated